Trong những bài chia sẻ kiến thức về các loại phụ gia trong ngành nhựa trước đây của H&T Chemicals, chúng tôi đã giới thiệu đến các bạn các phụ gia phổ biến trong ngành nhựa: Phụ gia ổn định nhiệt tại đây, Phụ gia tăng trơn tại đây, Phụ gia chống tĩnh điện tại đây và Phụ gia chống lão hóa tại đây. Qua đó, chúng ta đã biết được tầm quan trọng của từng phụ gia nêu trên và ứng dụng của từng phụ gia đó trong ngành công nghiệp sản xuất nhựa.
Trong bài này, H&T Chemicals chúng tôi tiếp tục chia sẻ về Phụ gia khử mùi nhựa – một loại phụ gia vô cùng cần thiết trong sản xuất nhựa, đặc biệt là đối với nhựa tái chế. Vậy phụ gia khử mùi nhựa là gì? Mục đích sử dụng cũng như công năng hoạt động của phụ gia này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu.
- Tại sao cần phải sử dụng đến phụ gia khử mùi nhựa trong sản xuất nhựa?
Việc sử dụng các sản phẩm nhựa và nhựa tái chế đang ngày càng gia tăng đã tạo ra một nhu cầu cấp thiết là kiểm soát mùi hôi của nhựa. Mùi xuất phát từ nhiều nguồn, mùi từ nhựa, mùi từ các sản phẩm có phụ gia, và mùi đặc trưng của nhựa tái chế. Mùi cũng phát ra từ nhiều giai đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, sử dụng sản phẩm nhựa.
Một trong những yếu tố chính có thể dẫn đến mùi hôi trong các sản phẩm nhựa là sự hiện diện của các monome và chất phụ gia còn sót lại. Monome là thành phần cấu tạo nên polyme nhựa, nếu các monome này không phản ứng hoàn toàn trong quá trình sản xuất, chúng sẽ tồn tại trong thành phẩm cuối cùng và tạo ra mùi. Các chất phụ gia nhựa như chất làm dẻo, chất ổn định và chất tạo màu cũng có thể phát ra mùi khi phản ứng với các hợp chất khác trong nhựa hoặc không được phân tán đúng cách.
Mùi hôi trong các sản phẩm nhựa còn có thể là do sự hiện diện của chất gây ô nhiễm. Chất gây ô nhiễm này có thể đến từ nguyên liệu thô được sử dụng trong quá trình sản xuất, từ thiết bị sử dụng để xử lý nhựa, hoặc từ môi trường lưu trữ nhựa. Những chất gây ô nhiễm này có thể phản ứng với nhựa hoặc với các hợp chất khác trong môi trường để tạo ra mùi hôi.
Quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa cũng có thể phát sinh mùi hôi, do nhiệt độ cao, thời gian xử lý lâu và thông gió không đủ đều có thể dẫn đến sự hình thành các hợp chất có mùi trong nhựa. Ngoài ra, một số polyme nguyên liệu cũng dễ phát ra mùi hơn các loại khác.
Việc bảo quản và xử lý các sản phẩm nhựa cũng có thể gây mùi, sản phẩm nhựa tiếp xúc với nhiệt độ cao, độ ẩm hoặc ánh sáng mặt trời có thể bị biến chất và phát ra mùi hôi. Chưa kể đến việc tiếp xúc với các vật liệu khác, chẳng hạn như thực phẩm hoặc hóa chất tẩy rửa cũng có thể truyền mùi sang nhựa.
Chính vì vậy, nhà sản xuất cần bổ sung phụ gia khử mùi nhựa để hạn chế mùi hôi, mùi khó chịu trong sản phẩm nhựa nhằm giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời việc loại bỏ mùi hôi cũng có thể ngăn ngừa các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến việc hít phải hoặc tiếp xúc với các hóa chất hoặc chất độc hại có thể gây ra mùi hôi. Do đó, việc khử mùi các sản phẩm nhựa là điều cần thiết để đảm bảo trải nghiệm an toàn và dễ chịu cho người dùng.
- Phân loại các cơ chế hoạt động của phụ gia khử mùi nhựa
Phụ gia khử mùi là vị cứu tinh hoạt động như một chất trung hòa mùi. Nó không thay thế mùi ban đầu trong các sản phẩm. Thay vào đó, nó sẽ ngăn chặn sự hấp thụ các mùi không mong muốn và các hóa chất gây kích ứng. Có nhiều giải pháp cho việc kiểm soát mùi nhựa, mỗi loại đều có cơ chế hoạt động và mức độ hiệu quả khác nhau.
2.1. Đuổi mùi: Chúng ta tạo điều kiện cho các thành phần VOC thoát ra khỏi hỗn hợp nhựa, thông qua:
– Dùng biện pháp hút chân không (thường thấy trong các dây chuyền tái sinh hạt, có cụm hút chân không để khử ẩm và cả khử các thành phần VOC);
– Bổ sung các thành phần bốc hơi nhanh vào hỗn hợp, tạo điều kiện bốc hơi để chúng lôi cuốn theo các thành phần VOC. Thông thường người ta bổ sung các hợp chất sinh CO2 vào trong hỗn hợp nhựa chảy, tạo điều kiện cho CO2 bốc hơi, chúng sẽ lôi kéo hết các VOC theo cùng.
– Sản phẩm đã sản xuất có mùi có thể dùng gió thổi trong thời gian dài để giảm mùi (biện pháp này hiệu quả không cao, vì xảy ra ở nhiệt độ thấp và luôn còn lại một lượng VOC ở mức bão hòa trong sản phẩm).
2.2. Khóa mùi: Người ta nhận thấy rằng, nếu cung cấp những thành phần có tính hấp phụ mạnh các hợp chất VOC vào trong hỗn hợp, đặc biệt tạo diện tích hấp phụ cao như những thể xốp thì sẽ khóa được mùi cho sản phẩm. Rất nhiều những sản phẩm loại này đã được đưa vào ứng dụng, và thành phần thường dùng là:
– Loại xốp trên cấu trúc của các loại phức nhôm;
– Abestos;
– Wollastonic;
– Silica.
Ngay cả trong trường hợp đưa thành phần khói đen, thành phần có tính hấp thụ cao, vào trong hỗn hợp cũng khóa được đáng kể mùi.
2.3. Hủy mùi: Trong một số trường hợp, người ta bổ sung những thành phần oxy hóa nhẹ, phù hợp vào công thức để phản ứng có kiểm soát với những thành phần tạo mùi và giúp mất mùi. Nhưng điều này thường sử dụng ở nhiệt độ thấp, như trong quá trình rửa. Người ta thường sử dụng những thành phần sinh ra oxy, flouro, chloro để oxy hóa các mùi hấp phụ trên bề mặt nhựa.
2.4. Che mùi: Che mùi thực chất không phải là khử mùi, nhưng cũng là một phương thức giúp không thấy được mùi. Do khứu giác chỉ nhận thấy một số mùi có mức kích thích cao, nên trong một số trường hợp người ta bổ sung thành phần mang mùi thơm, có mức kích thích cao bổ sung vào hỗn hợp. Mùi thơm này lấn át mùi không mong muốn. Ví dụ: Trong lĩnh vực cao su, sản xuất nệm mousse người ta đã dùng mùi thơm để che mùi các amin trong mủ cao su không mong muốn.
-
Các phương pháp khử mùi cho nhựa
3.1. Khử mùi nhựa trong quá trình sản xuất
- Thêm các chất phụ gia vào trong quá trình sản xuất nhựa. Các hợp chất này có thể trung hòa các tác nhân gây mùi, giúp ngăn mùi phát triển ngay từ đầu;
- Sử dụng các công nghệ khử mùi như hút chân không hoặc chiếu tia plasma giúp loại bỏ các tác nhân gây mùi trong quá trình sản xuất;
- Triển khai hệ thống thông gió và lọc khí thích hợp, giúp loại bỏ không khí cũ và mùi hôi từ môi trường lưu trữ sản phẩm, đảm bảo chất lượng không khí và ngăn mùi hôi phát triển trong các sản phẩm nhựa.
3.2. Khử mùi nhựa cho trong quá trình sử dụng
Có một vài cách có thể giúp người sử dụng khử được mùi cho sản phẩm nhựa khi mới mua về:
- Rửa sản phẩm nhựa bằng hỗn hợp nước ấm và baking soda. Trộn một vài thìa baking soda với nước ấm và dùng miếng bọt biển hoặc vải để chà lên bề mặt nhựa. Rửa kỹ bằng nước và để sản phẩm khô tự nhiên;
- Ngâm sản phẩm nhựa trong dung dịch giấm trắng và nước. Giấm trắng là chất khử mùi mạnh có thể giúp loại bỏ mùi hôi và tiêu diệt vi khuẩn gây ra mùi hôi. Đổ đầy giấm trắng và nước theo tỷ lệ bằng nhau vào thùng rồi ngâm sản phẩm nhựa vào dung dịch trong vài giờ. Rửa kỹ sản phẩm bằng nước và để khô tự nhiên;
- Dùng than hoạt tính để khử mùi sản phẩm nhựa. Than hoạt tính được biết đến với khả năng hấp thụ mùi hôi và độc tố, khiến nó trở thành chất khử mùi tự nhiên tuyệt vời. Đơn giản chỉ cần đặt một vài miếng than hoạt tính vào hộp đựng sản phẩm nhựa và để qua đêm. Than củi sẽ giúp hấp thụ mùi còn sót lại và làm cho sản phẩm nhựa của bạn luôn thơm tho.
Trên đây là những kiến thức tổng quan về phụ gia khử mùi trong công nghiệp sản xuất nhựa, H&T Chemicals hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với các bạn.
Đừng quên H&T Chemicals chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp các loại hóa chất công nghiệp chất lượng cao, được nhập khẩu với đầy đủ chứng nhận chất lượng sản phẩm.